Thứ Năm, 23 tháng 1, 2014

Đăc điểm chăm sóc, sinh trưởng và sinh sản Nhông Cát

6. Chăm sóc
Nuôi kỳ nhông không tốn nhiều công chăm sóc. Điều cần thiết chính là khâu bảo vệ, phải ngăn chặn mọi ngã mà kỳ nhông có thể tẩu thoát. Phải xây kín hoặc giăng lưới cẩn thận để tránh chúng lẻn đi. Khoảng cách giữa cây trong khu nuôi và bờ tường đạt ít nhất là 3m. Kỳ nhông có thể leo lên cây và nhảy qua tường để ra ngoài.
Quá trình chọn lọc tự nhiên trên vùng khí hậu khốc liệt đã tạo ra con kỳ nhông có tính thích ứng cao, vì thế mà chúng rất ít bị bệnh tật đe dọa. Tuy nhiên do nuôi nhiều và tập trung nên chúng ta cần phải luôn chú ý đến những biểu hiện bệnh lý của con kỳ nhông. Hiện nay hiện tượng kỳ nhông lớn cắn kỳ nhông bé là vấn đề hàng ngày. Ta phải tìm mọi cách để phòng tránh.
Kẻ thù của kỳ nhông không phải là ít, ngoài chim diều hâu còn có chó, mèo, chuột. Để chống mèo, chuột người ta thường giăng lưới nilon (loại lưới dùng để bắt cá) dọc theo bờ tường và căng về phía trong khoảng 2m. Mèo và chuột rất sợ rơi vào loại lưới này vì chúng không đi được. Phải thường xuyên theo dõi xử lý các trường hợp xảy ra. Giữ cho môi trường nuôi kỳ nhông được yên tĩnh và bình an là cả một vấn đề quyết định, vì vậy không thể lơ là.
7. Sinh trưởng và hiện tượng lột xác của kỳ nhông cát
Kỳ nhông sinh trưởng nhanh, mau lớn và rất ít bị dịch bệnh nên không cần chăm sóc nhiều (chỉ đề phòng mèo, chuột cống và rắn). Hiện nay một số người nuôi kỳ nhông có phát hiện kỳ nhông thường bị bệnh sổ mũi vào mùa lạnh nhưng tự khỏi. Tỷ lệ sống của kỳ nhông khá cao, đạt từ   90-95%.
Lột xác là một hoạt động sinh lý bình thường và cần thiết cho quá trình phát triển của cơ thể kỳ nhông. Thậm chí lột xác còn là một chỉ tiêu quan trọng biểu thị trạng thái sức khỏe của kỳ nhông. Kỳ nhông muốn lớn phải lột xác. Chúng lột xác nhiều lần trong năm. Đặc biệt vào mùa hoạt động, kỳ nhông lột xác liên tục. Lúc đó chúng ăn khỏe và lớn nhanh. Trong điều kiện tự nhiên, các nhà khoa học đã xác định được tần suất lột xác ở kỳ nhông cát trung bình là: con cái 7,83 lần/mùa hoạt động, con đực 8,15 lần/mùa hoạt động.
Quá trình lột xác diễn ra trong 3 giai đoạn. Mỗi giai đoạn có những biểu hiện khác nhau. Ở thời kỳ chuẩn bị lột xác (3-6 ngày), lúc này da chúng ở 2 bên sườn, ở các chấm ô van trên lưng và ở cổ có màu vàng cam. Mặt trên của các chi cũng sẽ chuyển sang màu vàng đậm. Phần da màu trắng xám dưới bụng, dưới chi và đuôi sẽ chuyển màu xám tối. Kỳ nhông uể oải, ít ăn, ít hoạt động (mỗi ngày nó chỉ ra ngoài 1-2 giờ). Nó nằm lì trong hang. Đây cũng là lúc kỳ nhông có mùi hôi đặc biệt. Mùi đó giống mùi động vật bắt đầu    thối rửa.
Ở thời kỳ lột xác chính thức (7-10 ngày), kỳ nhông sẽ bỏ lớp vỏ da cũ để thay bằng một lớp mới. Kỳ nhông sẽ chui ra khỏi hang tìm nơi thuận lợi để lột xác. Nó tìm thấy gốc cây, mõm đá, bờ tường, nền đất cứng... chà mạnh đầu, cổ, lưng và vùng bụng vào đó để da bong ra từng mãng tại chỗ nó cà. Sau đó phần da ở nách, các ngón chân cũng dần dần bong ra. Thứ tự sẽ lột là: lột xác phần đầu; lột xác phần thân; lột xác nốt phần thân và phần đuôi.
Ở thời kỳ sau khi lột xác (20-31 ngày), thời gian này được tính từ lúc hoàn thành lần lột xác trước đến lần lột xác tiếp theo. Sau khi lột da xong, da của nó bóng đen, các hoa văn ở cổ, đầu, lưng và hai bên sườn đều có màu vàng cam. Điều này quan sát thấy rõ ở con đực. Phần da dưới bụng của chúng sẽ chuyển sang màu sáng trắng. Kỳ nhông đi kiếm ăn ngay, nó ăn khỏe và hoạt động rất sôi nổi.
Tóm lại, ta có thể thấy toàn bộ chu kỳ lột xác của kỳ nhông cát kéo dài từ 30-45 ngày. Nó thường lột xác vào khoảng tháng 4 đến tháng 11, lúc đó nhiệt độ thường là 28-33oC và độ ẩm không khí từ 80-85%. Kỳ nhông sẽ lột xác 7-8 lần/năm. Vào thời điểm ngủ đông kỳ nhông cát không lột xác.
8. Sinh sản
Theo các nhà khoa học, hầu hết các loài kỳ nhông cái đều đẻ trứng, trứng nở ra kỳ nhông con. Riêng loài kỳ nhông được phát hiện ở khu vực Thừa Thiên Huế (loài Leiolepis guentherpetersi) có thể là loài sinh trinh (parthonogenecis), tức là tất cả đều là cá thể cái và tự phân ly trứng khi đẻ. Kỳ nhông sau khi nuôi 8-10 tháng thì đến tuổi động dục có thể sinh sản. Kỳ nhông thường cặp đôi vào mùa hè (từ tháng 4 đến tháng 6) và đẻ trứng vào tháng 6 đến tháng 8.
Thời gian mang thai 10 ngày. Kỳ nhông đẻ nhiều lứa một năm, mỗi lần đẻ từ 6-8 trứng. Trứng kỳ nhông có hình thuôn dài (dài từ     2,2cm-2,4cm, rộng 1,1cm-1,3cm, nặng khoảng 3g), 45 ngày sau trứng nở ra kỳ nhông con. Kỳ nhông con mới nở thân hình màu trắng dợt, sống quanh quẩn dưới hang trong một vài ngày đầu. Khi bộ chân đã cứng cáp, chúng theo kỳ nhông mẹ chui ra khỏi hang và tập nhấm nháp thức ăn. Độ 1 tháng tuổi kỳ nhông đã bằng ngón tay cái, đến hai tháng tuổi kỳ nhông đã bằng ngón chân cái và có thể xuất chuồng bán giống. Kỳ nhông lớn nhanh vào các tháng từ tháng 6 đến tháng 8. Đây là thời kỳ thuận lợi nhất cho hoạt động của kỳ nhông cát. Tới khi trưởng thành tốc độ lớn của nó chậm hơn còn non,  đến năm kế tiếp, đàn kỳ nhông con trưởng thành và lại tiếp tục sinh sản.
9. Thu hoạch
Sau khi nuôi 8-10 tháng là thời điểm thu hoạch kỳ nhông. Ta cũng có thể bắt kỳ nhông bằng lưới. Dùng lưới có mắt nhỏ và rải đều xuống mặt đất, sau đó ta rải thức ăn xung quanh, kỳ nhông kéo ra ăn. Lúc đã thấy chúng ra hết, ta gây tiếng động mạnh. Kỳ nhông cuống quýt bỏ chạy. Vì vội vã, chúng sẽ mắc chân vào lưới. Ta gỡ và thu những con kỳ nhông lớn. Các con nhỏ cũng gỡ ngay và thả chúng lại trong hang. Tránh để sót con bị mắc lưới. Vì nếu như vậy chỉ 2-3 giờ sau chúng chết vì say nắng, nóng. Do đó cần hết sức lưu ý điều này và tốt nhất ta nên dùng nhiều bẫy để bắt kỳ nhông. Đó là cách bắt kỳ nhông tốt nhất và an toàn nhất.
Việc vận chuyển kỳ nhông đi xa cần phải đựng trong các lồng thoáng, không nên để chúng trong các túi vải kín, kỳ nhông sẽ chết.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét